Mùa xuân, khi vạn vật sinh sôi nảy nở, những hàng cây bắt đầu khoe lá non lộc biếc thì cũng là lúc người nuôi hươu ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) rộn ràng vào mùa cắt lộc nhung hươu.
Nghề nuôi hươu truyền thống nhiều năm trở lại đây đã giúp người dân huyện miền núi Hương Sơn thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhung hươu là phần sừng non của hươu đực, có tác dụng bồi bổ cực kỳ tốt cho sức khỏe.
Mùa cắt nhung hươu thường bắt đầu từ cuối tháng Chạp đến tháng Hai (âm lịch), người dân Hương Sơn còn gọi là “mùa lộc” với ý nghĩa đây là lộc may mắn vào dịp đầu năm mà hươu ban tặng sau một năm vất vả chăm bẵm.
Ông Phan Văn Luật (Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ hươu giống, nhung hươu, mật ong Sơn Lâm, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) chia sẻ, một con hươu đực độ hai năm tuổi sẽ bắt đầu cho nhung, đây là thời điểm hươu đổ hết lông xù, bắt đầu rụng đế và khoác lên mình bộ lông đầy sao rực rỡ. Trong tháng đầu nhung lên chậm nhưng từ tháng thứ hai trở đi nhung nhú lên trông thấy mỗi ngày.
Trong thời gian hươu nhú lộc nhung, ngoài cho ăn thức ăn hàng ngày bình thường (lá cây, cỏ, rơm) người nuôi hươu còn cho hươu ăn thêm tinh bột để nhung hươu được mập mạp, đẹp và nhiều chất dinh dưỡng.
Theo nhiều người nuôi hươu lâu đời ở Hương Sơn chia sẻ, chu kỳ cắt một cặp nhung hươu thường vào khoảng 50 ngày, nếu cắt non hay già ngày quá đều không tốt.
Để cắt nhung, trong mỗi thôn thường có một “hội cắt nhung” tập trung những trai tráng khỏe mạnh, sành sỏi, nhanh nhẹn, hễ nhà nào trong thôn có khách đến mua nhung là hội cắt nhung sẽ tập trung đến để cùng giúp chủ nhà.
Sau khi nhung đã cắt xong, huyết hươu được pha vào rượu để đãi khách, bạn bè, hàng xóm như một món quà đầu năm mới.
Theo lệ, chủ nhà sẽ có mâm cơm với chén rượu huyết hươu đỏ thắm thay lời cảm ơn hội cắt lộc và cũng là sự chia sẻ lộc trời theo triết lý “lộc bất tận hưởng”.
Cả chủ và khách cùng nâng chén rượu huyết nhung ngọt lịm, chúc mừng một vụ nhung đầy thắng lợi. Nếu có khách mua nhung tươi thì gia chủ tặng cho một chai rươụ huyết mang về đãi bạn bè.
Nhung hươu được biết đến là một bài thuốc quý có tác dụng bồi bổ cho sức khỏe, chữa các chứng hư tổn cơ thể, di tinh, liệt dương, vô sinh, giúp khỏe gân xương, tăng tuổi thọ…
Nhiều năm trở lại đây, khi nhung hươu được giá, nghề nuôi hươu đã trở thành hướng đi giúp người dân huyện miền núi Hương Sơn làm giàu bền vững.
Là huyện miền núi nằm giáp biên giới Lào, Hương Sơn có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng bù lại được thiên nhiên ưu đãi ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng và sinh vật phù hợp để nuôi hươu sao.
Giống hươu sao và nhung hươu ở Hương Sơn vì vậy rất được người tiêu dùng lựa chọn vì có lượng dinh dưỡng cao.
Nghề nuôi hươu đang được phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện Hương Sơn với hơn 20 xã có đàn hươu lớn.
Toàn huyện Hương Sơn hiện có gần 34.000 con hươu với sản lượng nhung trên 8 tấn, ước tính thu về hơn 80 tỷ đồng.
Nhiều xã như Sơn Lâm, Sơn Quang, Sơn Trung, Sơn Giang có đàn hươu với khoảng 3.000 con.
“Tiếng lành đồn xa” nên nông dân ở nhiều vùng khác trong tỉnh như Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh hay xa hơn từ tỉnh Quảng Ngãi đều đến Hương Sơn mua giống hươu về nuôi.
Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay người dân Hương Sơn đã biết mở rộng quy mô chăn nuôi, thành lập Hợp tác xã thương mại dịch vụ để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Phan Văn Luật (Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ hươu giống, nhung hươu, mật ong Sơn Lâm, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, nuôi hươu là nghề truyền thống có từ thời cha ông.
Trước đây, gia đình ông chỉ nuôi nhỏ lẻ nhưng từ năm 2012, sau khi thành lập Hợp tác xã bắt đầu mở rộng quy mô.
“Có thời điểm tổng đàn hươu của gia đình tôi lên đến 80 con, mỗi năm cắt từ 12 đến 15 kg nhung hươu cùng với việc xuất hươu giống cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng.
Ngoài bán lẻ cho khách quen tự tìm đến trang trại để cắt nhung, Hợp tác xã còn nhập nhung hươu cho Nhà máy chế biến và sản xuất rượu nhung hươu Mitraco và Công ty Dược Hà Tĩnh nên đầu ra sản phẩm rất ổn định”.
Trước kia, người nuôi hươu mỗi năm chỉ cắt được một lứa nhung, nhưng bây giờ nhờ kỹ thuật chăm sóc nên hươu có thể cho mỗi năm 2 lứa nhung, với mỗi cặp bình quân 0,6 – 0,8kg, những chú hươu khoẻ có thể cho nhung nặng đến 1,5kg.
Với mỗi kg nhung có giá 10 triệu đồng vào chính vụ, thời điểm trái mùa (khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch) mỗi kg nhung có giá lên đến 15 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, hươu từ lâu đã trở thành vật nuôi chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế.
Ngoài chính sách của tỉnh, hàng năm huyện Hương Sơn đã có nhiều chính sách hỗ trợ để tạo động lực cho người chăn nuôi mở rộng quy mô như hỗ trợ xây dựng chuồng trại, mua con giống, trồng cỏ.
Đối với những hộ chăn nuôi mới từ 20 con hươu trở lên và trồng 0,1ha cỏ thâm canh thì hỗ trợ 20 triệu đồng.
Từ 100 con hươu trở lên và trồng 1ha cỏ thâm canh hỗ trợ 150 triệu đồng với điều kiện chủ mô hình có cam kết nuôi ổn định đàn ít nhất 3 năm kể từ ngày nghiệm thu.
Xác định đây hươu là vật nuôi chủ lực, huyện Hương Sơn đang tiếp tục chỉ đạo phát triển và xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi hươu.
Nhờ vậy, nhung hươu Hương Sơn không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn vươn ra nước ngoài ở những thị trường như Mỹ, Canada…